Albumin là gì? Thông tin về chỉ định, chống chỉ định, tác dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng dược chất Albumin. Bài viết dưới đây của Medy.vn sẽ cung cấp các thông tin hữu ích để tra cứu về dược chất Albumin
Dược chất Albumin
Thông tin chung
- Tên dược chất: Albumin
- Mã ATC: B05AA01
- Nhóm dược lý: Thuốc tác dụng đối với máu
- Tên khác: Human albumin, humanalbin
- Tên biệt dược: Human Albumin; Human Albumin Octapharma 20%
- Dạng bào chế: Dung dịch tiêm tĩnh mạch
- Thành phần: Human albumin
Tác dụng của Albumin
Albumin là protein quan trọng nhất của huyết thanh tham gia vào hai chức năng chính đó là duy trì 70-80% áp lực thẩm thấu keo trong huyết tương và liên kết vận chuyển các chất có phân tử nhỏ như bilirubin, hormon steroid, acid béo và các thuốc có trong máu.
Tác dụng điều trị của albumin có liên quan đến tác dụng trên áp lực thẩm thấu keo của huyết tương. Truyền 1 g albumin vào máu có thể làm tăng thể tích huyết tương tuần hoàn lên khoảng 18ml. Lượng dịch thêm vào này làm giảm hematocrit và độ nhớt của máu. Các chế phẩm albumin không chứa các yếu tố đông máu và không gây ảnh hưởng đến cơ chế đông máu bình thường hay làm tăng hiên tượng đông vón máu.
Dược lực học của Albumin
Albumin là thuốc tăng thể tích máu, thuốc chống tăng bilirubin huyết.
Dược động học của Albumin
Albumin được phân bố trong dịch ngoại bào, trên 60% nằm ở khoang ngoài lòng mạch.
Thời gian tác dụng: chỉ 15 phút sau khi tiêm albumin 25% đã làm tăng thể tích máu cho người bệnh. Thời gian tác dụng của albumin phụ thuộc vào thể tích máu ban đầu của người bệnh. Nếu lượng máu giảm thì thời gian làm tăng thể tích máu sẽ kéo dài trong nhiều giờ, nếu lượng máu bình thường thì thời gian tác dụng sẽ ngắn hơn.
Thời gian thải trừ khoảng 15-20 ngày.
Chỉ định dùng Albumin
Thay thế albumin ở bệnh nhân thiếu albumin trầm trọng: giảm thể tích tuần hoàn, trụy mạch, các trường hợp sốc, phỏng, xơ gan cổ trướng, suy gan. Phụ trợ trong lọc thận nhân tạo, thận hư; tăng bilirubin huyết sơ sinh; phẫu thuật tim phổi, suy hô hấp cấp ở người lớn.
Chống chỉ định Albumin
Dị ứng với chế phẩm chứa albumin. Suy tim mất bù, tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch thực quản, phù phổi, xuất huyết tạng, thiếu máu trầm trọng, vô niệu, mất nước.
Thận trọng lúc dùng Albumin
Cần bù đủ nước cho bệnh nhân. Khi dùng trên 200mL, cần bổ sung chất điện giải. Có thai & cho con bú: dùng khi cần thiết.
Tương tác thuốc Albumin
Yếu tố hoạt hoá đông máu(prekallikrein) có trong một số lô chế phẩm có thể kích thích biến đổi kininogen trong máu người thành kinin gây hạ huyết áp.
Dung dịch albumin nhiễm nhôm có thể gây độc cho những người suy thận đã được truyền lượng lớn albumin, dẫn đến loạn dưỡng xương và bệnh lý về não.
Liều lượng và cách dùng Albumin
Truyền tĩnh mạch trực tiếp, có thể pha loãng trong dung dịch đẳng trương (NaCl 0,9%), thường truyền với tốc độ 1-2 mL/phút. Nhu cầu liều (g) [tổng lượng protein cần (g/l) – tổng lượng protein thực tế (g/l)] x thể tích huyết tương x 2.
Tác dụng phụ khi dùng Albumin
Rất hiếm: sốt, buồn nôn, nôn, bừng mặt, tụt huyết áp, mạch nhanh, mề đay, khó thở (hết khi giảm tốc độ hay ngưng truyền), cá biệt: sốc phản vệ.
Quá liều khi dùng Albumin
Khi dùng một lượng lớn albumin cần phải bổ sung hồng cầu hoặc thay thế bằng máu toàn phần để chống hiện tượng thiếu máu xảy ra sau khi dùng. Nếu có rối loạn tuần hoàn hay phù phổi phải ngừng truyền ngay và có biện pháp xử trí đặc hiệu.
Bảo quản Albumin
Bảo quản ở nhiệt độ không quá 37 độ C. Tránh để đông lạnh vì lọ có thể nứt gây nhiễm tạp. Khi đã mở chỉ dùng trong vòng 4 giờ và vứt bỏ phần còn lại.